Lịch sử ATK2

Tháng 8 năm 1938 Ngô Tuấn Tùng đưa Hoàng Quốc Việt - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ về tổng Hoàng Vân chỉ đạo phong trào và xây dựng cơ sở cách mạng. Về Hoàng Vân, Hoàng Quốc Việt được bố trí ở nhà cụ Đồ Ba (thân phụ của Ngô Tuấn Tùng) thuộc xóm Đông làng Vân Xuyên, từ đó nhà cụ Đồ Ba trở thành nơi đón tiếp các cán bộ Trung ương và Xứ ủy về hoạt động. Trong thời gian ngắn cơ sở đã được mở rộng tới cả ba xóm của Vân Xuyên: xóm Đông, xóm Trung và đặc biệt là xóm Đá. Các cán bộ lãnh đạo hoạt động trong thời kỳ bí mật đã tặng cho xóm Đá danh hiệu "Xóm Đỏ". Ngày ấy xóm Đá có 37 gia đình thì 33 gia đình có cán bộ đi lại, ăn ở và đặt cơ quan, lớp huấn luyện và hội họp, nhiều người bị Pháp bắt, tù đày, tra tấn dã man nhưng không hề có ai khai báo. Từ đó phong trào lan rộng ra cả tổng Hoàng Vân và nhiều làng xã của huyện Hiệp Hòa; rồi lan sang vùng lân cận như Ca Sơn hạ, Ca Sơn thượng thuộc huyện Phú Bình; Tiên Thù, Thù Dương huyện Phổ Yên. Qua những lần khủng bố của Pháp, phong trào có bị tổn thất nhưng vẫn phát triển liên tục. Các chi bộ Đảng tổng Hoàng Vân (huyện Hiệp Hòa), Ca Sơn (huyện Phú Bình), Tiên Thù (huyện Phổ Yên) lần lượt ra đời với 20 đảng viên được rèn luyện trong phong trào đấu tranh và chống Pháp khủng bố.

ATK2 là nơi có địa hình cơ động nằm giữa thủ đô Hà Nội và khu căn cứ địa Việt Bắc. Từ đây xuôi xuống phía Nam qua các trạm liên lạc Đông Anh, Chèm Vẽ là về đến Khu an toàn chính của Trung ương; ngược lên phía Bắc bằng những con đường mòn xuyên rừng tới Tràng Xá, Võ Nhai rồi lên biên giới Việt Trung. Con sông Cầu chảy dọc từ Bắc xuống Nam tạo thành một đường địa giới ngăn cách Hiệp Hòa với Phổ Yên và một phần Phú Bình. Nửa phía Bắc có nhiều đồi núi tiếp nhau, xen lẫn có một số khu rừng nhỏ rậm rạp. Dọc theo đê sông Cầu có nhiều soi bãi rộng, cây cối um tùm thuận tiện cho việc hội họp, huấn luyện quân sự. Làng mạc ở xen lẫn với nhiều trại ấp lẻ tạo thuận lợi cho việc tổ chức cơ sở cách mạng có thế liên hoàn.

Lực lượng của Pháp trong khu vực mỏng. Ba tổng binh Chã, Hà Châu, Trị Cụ, mỗi đồn chỉ có khoảng 40 lính và một số lính lệ của các phủ, huyện. Các đảng phái chống lại Việt Minh hoàn toàn không có cơ sở ở đây.

Đầu năm 1944 Trung ương chính thức công nhận Hiệp Hòa, Phổ Yên, Phú Bình là An toàn khu dự bị của Trung ương Đảng.